Ngắm hoa nở trong sương
Phan_2
Đăng ký rồi cô lại thấy lo, nhỡ mình không thi được thì biết làm sao? Nếu một ngày nào đó Allan muốn đến tìm mình, trong khi mình lại sang Harvard Yenching thì khác gì núi sông cách trở? Hơn nữa một người có lòng tự trọng cao như anh ấy, không được sang Harvard học trong khi mình lại được sang, liệu anh ấy có vì chuyện đó mà bỏ cuộc hay không? Có lẽ tốt nhất là mình nên giữ tấm thân trong sạch, không dính dáng gì đến vết nhơ học Harvard thì hơn.
Nhưng rồi cô lại nghĩ, đã thi cử gì đâu, nếu thi cũng chắc gì đã đỗ, việc gì phải lo sớm như vậy. Cùng lắm là đỗ rồi nhưng không đi, như thế cũng vẻ vang biết bao. Giành được suất học bổng của Harvard Yenching dĩ nhiên là tự hào rồi, nhưng nếu thi đỗ mà không đi học lại càng tự hào hơn chứ.
Hơn nữa Allan đã từng hứa với cô rằng không bao giờ kết hôn trước cô, không bao giờ có người yêu trước cô. Dĩ nhiên lời thề này là do cô ép anh nói nhưng dù gì anh cũng thề rồi, anh đã hứa điều gì thì chắc chắn sẽ thực hiện.
Chương 4
Trong năm nội dung thi, thế mạnh của Ngải Mễ là đọc, dịch và nghe nói.
Đọc là thế mạnh do từ lâu các bài đọc trong tiếng Anh đã có kiểu thi trắc nghiệm. Ngải Mễ rất biết ơn người đã phát minh ra kiểu thi trắc nghiệm này, chắc chắc là phát minh cho những người làm gì cũng hậu đậu, vô tâm như cô. Bạn thử nghĩ mà xem, mấy đáp án đều đã đưa ra hết rồi, chỉ cần khoanh tròn là xong, còn việc nào dễ hơn việc khoanh tròn? Đến AQ cũng biết khoanh. Nếu bắt Ngải Mễ viết ra ý chính của bài thì rất có thể cô sẽ lạc đề, có khi lại viết sai mấy chữ cũng chưa biết chừng, nhưng nếu bắt cô lựa chọn một đáp án đã được người khác viết thì kể cả không hiểu, cô vẫn làm được tám mươi, chín mươi phần trăm.
Khi còn đi học, bạn bè cùng phòng đều ngưỡng mộ số cô may mắn, vì có một số đề, bốn câu chọn một, mọi người đều chẳng biết câu nào, toàn đoán mò, trong khi Ngải Mễ toàn mò đúng, còn người khác lại mò sai. Vương Hân, bạn cùng phòng với Ngải Mễ, thường nói cô có “số ăn cứt chó”, ở quê Vương Hân thường dùng cụm từ này để nói về người có số may mắn đến mức khó tin.
Dịch là thế mạnh của cô, có thể là vì bố mẹ cô, một người chuyên về tiếng Anh, một người chuyên về tiếng Trung. Ngay từ khi Ngải Mễ còn rất nhỏ, mẹ cô đã “tắm” tiếng Anh cho cô. Không những đặt cho cô một cái tên không ra Tây cũng chẳng ra Tàu, mà còn cố gắng nói tiếng Anh với cô, trong nhà chỗ nào cũng dán rất nhiều từ vựng tiếng Anh, dán vào bàn là “table”, dán vào cửa sổ là “window”, dán vào trước cửa ra vào từ “come”, mặt sau của cửa thì dán từ “go”…
Hồi nhỏ Ngải Mễ cũng rất thích phương pháp học dán giấy kiểu này, thường viết chữ “Dad” nghiêng ngả rồi dán lên lưng bố, khiến có hôm bố cô lên lớp mà còn mang theo chữ “Dad” sau lưng giảng bài thao thao bất tuyệt, bị sinh viên phát hiện ra rồi cả lớp cười nghiêng ngả. Có một lần, Ngải Mễ hớt hải chạy đi mách mẹ rằng “Dad” bị ngã từ trên nhà xuống đất, khiến mẹ cô được một phen suýt ngất, cuối cùng mới phát hiện ra là mẩu giấy ghi chữ “Dad” bị bay từ trên ban công nhà xuống đất rồi.
Còn bố Ngải Mễ thì rất tích cực “tắm” tiếng Trung cho cô, ngày ngày ông đều bắt cô học thuộc văn thơ cổ, luyện thư pháp, rồi còn phải viết nhật ký nữa, hơn nữa ngày nào cũng kiểm tra xem Ngải Mễ viết gì trong nhật ký, thế có còn gọi là nhật ký nữa không? Gọi là xã luận có khi còn phù hợp hơn. Và thế là ngay từ nhỏ Ngải Mễ đã phải viết hai cuốn nhật ký, một cuốn là “nhật ký cách mạng” để bố kiểm tra, cuốn “nhật ký phản cách mạng” kia mới được gọi là nơi thổ lộ tâm tình. May mà mẹ cô không bắt cô viết nhật ký bằng tiếng Anh, nếu không mỗi ngày cô sẽ phải viết bốn cuốn nhật ký.
Tình huống hay gặp nhất là, trong “nhật ký cách mạng”, cô nắn nót viết: “Tớ yêu bố tớ, yêu cả mẹ tớ…” Nếu viết trôi chảy quá thì ngày mai bố lại yêu cầu cao hơn.
Còn trong “nhật ký phản cách mạng” thì cô rầu rĩ than: “Thế gian này có cô bé nào đau khổ hơn mình không? Nỗi dày vò mà mình phải chịu đựng không những đến từ hai người, mà còn là Bilingual (hai ngôn ngữ)! Đến Anne Frank[1] cũng chỉ phải viết một cuốn nhật ký, còn mình thì phải viết những hai cuốn. Đen tối quá! Bi thảm quá! Thế này thì còn gì là người nữa!”
[1] Anne Frank là một cô bé người Đức gốc Do Thái, trở nên nổi tiếng vì cuốn nhật ký của cô đã ghi chép lại những điều mắt thấy tai nghe trong thời gian chạy trốn ở Hà Lan – mảnh đất bị Đức chiếm đóng trong Chiến tranh thế giới thứ hai dưới ách thống trị của Đức Quốc Xã.
Tuy nhiên nỗi dày vò hai ngôn ngữ đã khiến sau này cô có kinh nghiệm hơn những thanh niên khác trong vấn đề dịch thuật, cô không còn hận bố mẹ mình nữa, bộ “nhật ký cách mạng” và “phản cách mạng” kia cũng không biết thất lạc đi đâu.
Kỹ năng nghe nói của cô cũng không tồi, là do Allan đã từng làm gia sư tiếng Anh cho cô một thời gian.
Còn kỹ năng viết thì phải xem gu của người chấm bài thế nào, người thích kiểu viết của cô sẽ nói văn phong khoáng đạt, người không thích sẽ bảo văn phong rườm rà, thế nên cô không dám chắc về môn viết.
Văn học cũng vậy, nếu là những vấn đề rộng và nông thì rơi đúng vào sở trường của cô, trên trời dưới đất, cổ kim đông tây, cô đều biết một số, toàn là những kiến thức sơ đẳng. Nếu bạn hỏi những vấn đề sâu thì cô cũng có thể phán được vài câu, đưa ra những lời đánh giá có vẻ như rất sâu sắc. Tuy nhiên nếu người nào chấm thi kĩ sẽ phát hiện ra đó không phải là câu trả lời sâu sắc mà chỉ cố làm ra vẻ uyên bác mà thôi. Người chấm thi không kĩ thì sẽ chẳng hiểu gì và chắc chắn sẽ không cho điểm cao.
Tập trung ôn thi cật lực một tuần rồi lại cật lực trải qua năm bài thi, sau đó lại chờ đợi mấy ngày trong sự hồi hộp, cuối cùng đã có kết quả: Bốn giảng viên của khoa đã qua được vòng sơ tuyển, cả bốn người này phải đến gặp giáo sư Harrod đến từ Học viện Harvard Yenching hiện đang ở thành phố N để tham gia vòng thi phỏng vấn. Vật lộn bao nhiêu thời gian như vậy cũng mới chỉ là bước được bước đầu tiên trong cuộc trường chinh ngàn dặm. Sao hồi đầu nghe cứ như là chỉ cần thi qua vòng của khoa là giành được học bổng của Harvard Yenching vậy?
Tiếp sau đó khoa lại thông báo rằng, trong lúc chờ đợi kết quả vòng thi phỏng vấn, đề nghị mọi người tranh thủ thời gian thi GRE và TOEFL đi. Mấy ứng cử viên đều suýt ngất, loanh quanh một hồi vẫn phải thi GRE, TOEFL ư? Thế thì khác gì tự mình thi lấy học bổng? Hai trong số bốn ứng cử viên liền tuyên bố thẳng thừng: “Em xin rút thôi, mọi người làm cái trò gì vậy, định đùa cợt nhau à? Nếu nói ngay từ trước là phải thi GRE, TOEFL thì còn mất công thi mấy cái đó làm gì nữa?”
Ngải Mễ nghĩ, đã bị đùa cợt đến nước này rồi, rút lui cũng bị đùa cợt, không rút lui cũng vẫn bị đùa cợt, nếu không thi thì người ta lại tưởng mình không dám thi. Thế nên cô vẫn vui vẻ đăng ký và thi cả GRE lẫn TOEFL trước thời gian quy định. Tiếp theo đó là nhờ người viết giấy giới thiệu, lo bảng điểm…, xong xuôi thì nộp hết cho khoa và gửi sang Học viện Harvard Yenching.
Sang năm mới, gần như ngày nào trường cũng được nghe thông tin ai đó nhận được thư từ chối, hóa ra một suất đi học ở Harvard Yenching đó không phải dành riêng cho khoa tiếng Anh, mà là cho rất nhiều khoa của trường, thảo nào khoa lại tổ chức thi minh bạch như thế, hóa ra là vì cơ hội rất mong manh, cộng với việc nhiều khoa như vậy, dĩ nhiên là phải minh bạch rồi.
Khi chín mươi lăm phần trăm số người đã nhận được thư từ chối thì Ngải Mễ vẫn chưa nhận được gì, không những người khác cho rằng cô có hy vọng mà đến bản thân cô cũng bắt đầu tin rằng mình có hy vọng. Đột nhiên một hôm, một ứng cử viên cùng khoa là Lưu Phương rầu rĩ than thở với cô rằng: “Chán quá, tớ không được gọi vì trường M yêu cầu phải có điểm GRE chuyên ngành mà tớ lại không có.”
Ngải Mễ liền thắc mắc: “Sao cậu lại biết trường Đại học M cần điểm GRE chuyên ngành? Mà tự nhiên cậu lại lôi trường M ra làm gì, tớ tưởng là Havard Yenching chứ?”
Lưu Phương đáp: “Havard Yenching chỉ là nơi chi tiền, vẫn phải có trường chịu nhận cậu mới xin được tiền của họ chứ.”
Ngải Mễ sững sờ, có chuyện đó ư? Tại sao không có người nào nói với cô sớm chứ? Nhưng Lưu Phương nói khoa có phát quyển sổ thông báo ghi rõ điều đó. Cô chạy về nhà lục tung đồ đạc lên tìm quyển sổ thông báo đó, quả nhiên không sai, bên trên ghi rõ là một chương trình học bổng của Học viện Harvard Yenching có tên Doctoral scholars program (Học bổng tiến sĩ) kéo dài ba năm rưỡi cho các tiến sĩ được trường đại học ở Mỹ gọi nhập học. Đến giờ cô mới hiểu ra vấn đề, hóa ra mãi mình không nhận được thư từ chối là vì bản thân mình có theo đuổi gì đâu?
Sau khi biết chuyện này, bố cô bực không nói được lời nào. “Cái thói hậu đậu, vô tâm sớm muộn gì cũng làm cuộc đời mày hỏng thôi con ạ.” Nghe cứ như là hiện tại chưa hỏng vậy.
Mẹ chỉ vào bố, nói: “Nó không giống ông thì còn giống ai? Ông cũng có kém phần đâu, hồi còn yêu tôi, mười lần thì đến chín lần nhớ sai địa điểm…” Sau đó bố mẹ lại đi đấu văn đấu võ với nhau.
Nói thực là Ngải Mễ cũng không buồn lắm, cả trường có nhiều khoa như vậy mà chỉ có một suất học bổng, kể cả được trường đại học của Mỹ tiếp nhận thì cũng chưa chắc xin được suất này, thôi thì cứ như mình còn hơn, chẳng đăng ký trường nào, nói gì đến chuyện được gọi. Việc này giống như đem lòng yêu một người nhưng không theo đuổi anh ta, dĩ nhiên là không có được tình yêu của người ta, nhưng đồng thời cũng không phải chịu rủi ro bị từ chối, có thể nói một cách tự phụ rằng, anh đừng có mà đắc ý, tôi có theo đuổi anh đâu mà anh nói đến chuyện đồng ý hay từ chối.
Không theo đuổi nên cũng chẳng có gì phải sợ, không theo đuổi nên cũng không lo bị từ chối.
Những người chơi thân với Ngải Mễ đều khuyên cô nên tự xin học bổng, nói em đã thi GRE, TOEFL rồi, sao không thử tự xin học bổng xem thế nào? Ngải Mễ nghĩ cũng hay, nên bắt đầu lo thủ tục.
Trong các vấn đề khác, Ngải Mễ tiêu tiền không tính toán nhưng trong những chuyện liên quan đến học hành thì cô lại rất chắt chiu, chắt chiu đến mức hà tiện. Lúc đăng ký, cô tiếc tiền nên không nộp hồ sơ cho quá nhiều trường mà chỉ chọn năm trường, ba trường của Mỹ, hai trường của Canada.
Có thể đúng là có “số ăn cứt chó” thật, hạt giống được gieo xạ lại nảy mầm, đơm hoa. Ngải Mễ nhận được giấy gọi của ba trường, một trường cho học bổng toàn phần, một trường miễn học phí, trường còn lại cũng là trường cô khá thích thì không cho gì cả.
Xem ra việc du học chẳng khác gì tìm người yêu, anh chàng mà bạn thích lại không thích bạn, anh chàng thích bạn thì bạn lại không ưng ý. Con người đi tìm sự thống nhất, sự hoàn mỹ trong các mối quan hệ mâu thuẫn này, cuối cùng hầu hết là “bất đắc dĩ mà tìm cái tàm tạm”.
Dựa trên phương châm học hành tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó, Ngải Mễ quyết định sang học tại trường Đại học C vì trường này cho cô học bổng toàn phần. Cô đã tìm ra thành phố nhỏ đó trên bản đồ, lấy bút đỏ khoanh tròn và nghĩ bụng, thôi cứ liều một phen, sống ở thành phố to bằng bàn tay này vài năm cho biết mùi Tây rồi cố gắng kiếm cái bằng về nước. Cô đã nghiên cứu chương trình tiến sĩ của khoa tiếng Anh trường Đại học C và dự đoán rằng nếu tập trung học thì mất khoảng năm năm sẽ lấy được bằng tiến sĩ.
Ngải Mễ nghĩ, năm năm thì năm năm, lúc đó mình đã hai mươi tám tuổi, có thể tự tin tìm Allan và nói rằng: “Em đã trưởng thành, đã đủ chín chắn rồi, biết tình yêu là gì rồi, chúng mình hãy bắt đầu lại từ đầu nhé!”
Chương 5
Người đến sân bay thành phố B đón Ngải Mễ là Liễu Tử Tu - một trong ba người Trung Quốc ở khoa tiếng Anh trường Đại học C. Liễu Tử Tu là cô gái người Đài Loan, dáng người nhỏ nhắn, da ngăm ngăm đen, nói tiếng phổ thông đặc giọng Đài Loan.
Trên đường đi, Tử Tu nói luôn miệng, cô ấy bảo rằng nếu không nói chuyện cô sẽ ngủ gật, mà việc vừa ngủ gật vừa lái xe cô cũng từng làm rồi, tuy nhiên hiện tại trên xe còn có người khác nên cô không dám mạo hiểm nữa.
Tử Tu kể bố cô ấy từ đại lục sang Đài Loan, ở đại lục đã có vợ con, nhưng năm 1949, khi theo Quốc Dân Đảng sang Đài Loan, ông không đưa vợ con ở quê sang được nên chỉ đi một thân một mình. Ông tưởng rằng đời này kiếp này sẽ không còn cơ hội đoàn tụ với người vợ cũ ở đại lục nữa nên đã lấy một cô gái Đài Loan, sinh được ba cô con gái, Tử Tu là con gái út của ông.
Ai ngờ sau khi Trung Quốc cải cách mở cửa, bố Tử Tu lại có cơ hội về đại lục thăm người thân, ông đã sang Đài Loan bao nhiêu năm như vậy, cũng đã có vợ mới, gia đình mới nhưng vẫn không thể nào quên vợ con đang ở đại lục. Ông giấu mẹ Tử Tu thăm dò được tin tức về vợ con ở đại lục, họ vẫn ở ngôi làng cũ, vợ cũ của ông cũng không tái hôn mà ở vậy một mình nuôi con.
Và thế là bố Tử Tu đã vượt ngàn dặm xa xôi về đại lục thăm người thân. Dĩ nhiên là mẹ Tử Tu không vui vẻ gì nhưng cũng chẳng biết làm thế nào, đành phải theo bố cô về đại lục. Một ông chồng, hai bà vợ gặp nhau, chỉ có đương sự mới hiểu được nỗi bi hoan trong đó.
Ngải Mễ biết, mấy năm qua, không biết đã có bao nhiêu câu chuyện như thế này xảy ra. Biết nói gì đây? Tất cả đều do lịch sử gây ra, trách cứ ai cũng chẳng giải quyết được gì. Có thể kết cục cuối cùng là người chồng cho vợ cũ một số tiền rồi theo người vợ Đài Loan trở về Đài Loan. Dùng cách nói rất thời thượng hiện nay là, được lòng cả đôi.
Ngải Mễ tưởng tượng ra người vợ cũ của bố Tử Tu, có thể tình cảm đã chai sạn sau bao nhiêu năm tháng, không còn vương vấn gì với người mà bà đã từng gọi là chồng nữa. Người ấy đã không còn quan trọng đối với cuộc đời bà. Có được số tiền đó, có thể bà sẽ vui vẻ chia cho mấy đứa con, cảm ơn số phận đã tặng cho bà nguồn tài sản bất ngờ này. Nhưng có lẽ từ đó trở đi, người vợ ở Đài Loan sẽ nghĩ rằng giữa hai vợ chồng bà lại có thêm một người, tình cảm hai người vì thế khó tránh khỏi va chạm. Còn người chồng đó thì sao? Liệu có vì thế mà trái tim bị chia thành hai nửa, vừa nhớ vợ con ở đại lục, vừa thương vợ con ở Đài Loan hay không? Có thể trái tim của ông ấy đã bị chia thành hai nửa từ lâu rồi cũng nên.
Cô rất ái ngại cho mẹ Tử Tu, đang yên đang lành, tự nhiên lại xuất hiện bà vợ cả, mẹ Tử Tu sẽ buồn biết bao.
Cuộc sống vốn là như vậy, có những chuyện, có những người không phải bạn muốn dẫn dắt họ vào cuộc sống của bạn, mà là cuộc sống bắt ép bạn phải chấp nhận, bất luận bạn có thấu hiểu, có sẵn sàng đón chào hay không, bạn vẫn phải đối mặt với những con người và sự việc đó. Có nhiều lúc, dù bạn né tránh hay đối mặt, bạn vẫn sẽ gặp nhiều đau khổ. Suy nghĩ duy nhất của bạn là: Tại sao số phận lại bắt ta phải đối mặt với những con người và sự việc đó? Nếu không có con người và sự việc đó thì tuyệt vời biết bao!
Ngải Mễ nghĩ cuộc đời mình cũng gặp một người và một sự việc như thế. Trước khi con người và sự việc đó xuất hiện, mọi thứ đều rất tuyệt vời, trong sáng và rõ ràng, nhưng sau khi con người và sự việc đó xuất hiện, mọi thứ đều trở nên khó hiểu, khó giải thích, khó nắm bắt.
Dĩ nhiên “người đó” không phải là Allan, nhưng nếu không có Allan thì cuộc đời cô cũng sẽ không có “người đó”.
Cô còn nhớ lần đầu tiên gặp Allan. Hồi ấy cô vẫn đang học cấp ba, còn anh thì đã thi và trở thành nghiên cứu sinh được bố cô hướng dẫn luận văn. Lần đầu tiên cô gặp anh là lần anh mang cho bố cô tài liệu mà anh dịch giúp liên quan đến thơ ca của Nga, vì anh phát hiện ra trong một bài viết của bố có sai sót, nguyên văn viết bằng tiếng Nga, Allan đã đọc bản gốc bài thơ đó và nhớ là ý nghĩa không phải như thế, chắc là có sai sót trong khi dịch, trong khi bố Ngải Mễ lại dựa vào bản dịch để viết bài bình luận của mình. Thế nên khi Allan nói hình như nghĩa gốc không phải là như vậy, bố Ngải Mễ đã nhờ anh mang bản gốc và bản dịch chuẩn để ông xem. Allan liền tìm bản gốc nhưng do không có bản dịch chuẩn nên đành phải tự dịch, chuẩn bị thảo luận với thầy về vấn đề này.
Vì hôm đó có việc gấp nên bố Ngải Mễ không kịp về trước giờ hẹn, khi Allan tìm đến nhà thầy thì đúng lúc Ngải Mễ cũng vừa tan học về. Cô nhìn thấy một chàng trai cao to đứng trước cửa nhà số 4 mà gia đình cô ở.
Nhìn từ sau lưng, Ngải Mễ đã cảm thấy anh chàng này rất đẹp trai. Cô cố tình bước mấy bước về phía nhà số 5, như thế có thể nhìn được trực diện anh chàng, đúng là một Don Juan chính hiệu, khiến cô tự nhiên lại nhớ đến lời bà nội: “Nhìn thằng bé này đã thấy dễ chịu”.
Cách đánh giá của bà đối với nam thanh nữ tú có ba cấp bậc: Trông “gọn gàng”, khá “ưa nhìn”, trông “dễ chịu”. Trước đây, Ngải Mễ nghĩ bà nói như vậy là do vốn từ vựng của bà có hạn, nhưng hôm nay nhìn chàng trai đang đứng trước nhà, cô thực sự bái phục bà dùng mấy từ này rất chuẩn, các từ khác như “đẹp trai”, “tuấn tú”, “thư sinh”, “ngời ngời” gì đó đều không thể miêu tả được cảm giác của cô. Nhìn thấy mà “dễ chịu” có nghĩa là không những có tác dụng cho mắt bạn, mà còn có tác dụng cho tâm hồn bạn, khiến tâm hồn được thư thái, thoải mái.
Cô đã gặp không ít nghiên cứu sinh được bố mẹ hướng dẫn luận văn, nhưng cô chưa bao giờ gặp nghiên cứu sinh nào “dễ chịu” như thế, nên cô vẫn luôn cho rằng một người học nghiên cứu sinh thì chắc chắn sẽ nhìn “chẳng dễ chịu” chút nào. Hoặc là chỉ có những người nhìn “không dễ chịu” mới học được lên nghiên cứu sinh mà không bị chi phối bởi môi trường, hoặc là do đọc sách quá nhiều nên tướng mạo cũng trở nên “không dễ chịu”, thế nên cô đã quyết định chỉ học đến đại học thôi. Nhưng anh chàng nghiên cứu sinh này lại khác, nhìn trông “rất dễ chịu”. Cô lập tức bị anh chàng hút hồn, quyết định phải tìm cớ bắt chuyện mấy câu.
Không có người mở cửa, bởi cô biết chắc chắn không có ai ở nhà. Anh chàng quay đầu lại, chắc định ra về, cô liền gọi: “Anh tìm thầy Ngải hay cô Tần?”
Anh chàng liền dừng chân, ngoái lại hỏi: “Em tan học rồi à? Nhà em không có ai ở nhà.”
Cô liền bước đến trêu: “Nhà em không có ai ở nhà ư? Anh có biết nhà em ở đâu không? Nhà em là nhà số 5 cơ mà. Anh không thấy em vừa từ nhà số 5 ra à?”
Anh chàng liền cười, nói: “Em là Ngải Mễ đúng không? Trẻ con không nên nói dối người khác, không hay đâu.”
“Người lớn nói dối thì hay hả?”
“Mồm mép ghê nhỉ, anh không đấu được với em, đành chịu thua vậy.” Anh chàng cười vui vẻ rồi đưa tài liệu trong tay cho cô. “Em chuyển cái này cho bố em hộ anh nhé?”
Cô không chịu cầm ngay vì muốn được nói chuyện với anh chàng thêm lát nữa. “Em không biết bố em, thôi anh tự đưa đi!”
“Em đưa cho bố em rồi cũng tranh thủ cơ hội này làm quen với ông luôn.” Nói rồi anh chàng nhét tài liệu vào tay cô và xăm xăm đi xuống cầu thang.
Cô đứng giữa lối đi, hai tay dang ra khiến anh chàng không xuống được và cũng không dám chạm vào cô. Anh chàng đành đứng lại, cười hỏi: “Sao vậy? Giữa đường gặp cướp đòi tiền hả?” Rồi anh chàng đưa tay móc túi. “Tiền thì không có, chỉ có tính mạng này thôi.”
“Bổn đại vương không cần tiền, không cần tính mạng của nhà ngươi, chỉ muốn đưa ngươi về làm phu quân thôi.”
“Hôm nay gặp nữ ma vương rồi.” Mặt anh chàng đỏ bừng nhưng miệng vẫn chưa chịu thua. “Ta chưa xuất chiêu thôi, chưa biết ai thắng ai bại đâu, Ngải Mễ, có người lên kìa, mau nhường đường cho họ đi chứ…”
Ngải Mễ tưởng có người lên thật, vội tránh sang một bên, anh chàng thừa cơ chạy ngay xuống, vừa xuống cầu thang vừa cười ha ha. “Đại vương đích thực, hữu dũng vô mưu à!”
Cô liền đứng sau lưng la: “Ê, anh tên là gì? Lát nữa em còn bảo với bố em.”
“Thành Cương.”
“Bách luyện thành cương[1] hả? Anh có tên tiếng Anh không?”
[1] Câu thành ngữ ý nói được tôi luyện nhiều sẽ trở nên rắn rỏi.
“Allan.”
“Allan Poe ư?”
Cô nghe thấy tiếng anh chàng cười, cô thực sự thích nghe tiếng cười đó.
Chương 6
Điều khiến Ngải Mễ rất vui là một lát sau Allan đã theo bố mẹ cô lên nhà vì anh gặp họ ở dưới sân. Ngải Mễ nhìn thấy anh chàng ngồi trên sofa ngoài phòng khách liền bước đến trêu: “Vừa nãy bảo anh ở lại với bổn đại vương mà không chịu nghe, giờ vẫn phải ngoan ngoãn quay lên à? Nhẹ không ưa lại ưa nặng…”
Bố đang thay quần áo trong phòng ngủ, nghe thấy vậy liền mắng cô: “Ngải Mễ, không phải ai cũng đùa được đâu.” Nói xong, ông liền bước ra phòng khách nói với Allan: “Thành Cương, em đừng chấp, con nhỏ này từ nhỏ được chiều nên hư. Thôi ta vào phòng làm việc nhé!”
Allan liền đứng dậy đi về phía phòng làm việc, cười nói: “Ngải Mễ tranh luận giỏi lắm, em không đọ nổi, đành đầu hàng thôi.”
Mẹ đang nấu cơm trong bếp, Ngải Mễ liền lẻn vào năn nỉ: “Mẹ giữ anh ấy ở lại ăn cơm đi, muộn thế này rồi, anh ấy về đến trường thì nhà ăn đã đóng cửa là cái chắc.”
“Học được cách quan tâm đến người khác từ bao giờ vậy?” Mẹ nhìn cô, hỏi. “Lo lắng gớm nhỉ, việc này còn phải để mày nhắc mẹ nữa à? Mẹ không biết điều đó ư?” Nói xong, mẹ liền bước đến cửa phòng làm việc và nói với Allan: “Allan, hôm nay ở lại ăn cơm với thầy cô nhé, em về thì chắc chắn nhà ăn đóng cửa rồi.”
Bố cũng mời: “Đúng đấy, trong chốc lát không thể nói xong chuyện đâu.”
Hôm đó Allan đã ở lại nhà Ngải Mễ ăn cơm, cô phấn chấn chạy vào bếp giúp mẹ nấu nướng. Mẹ cười, liếc cô một cái rồi nói: “Mặt trời mọc ở đằng tây ư? Con thì giúp được cái gì? Vào làm bài tập đi. Lát nữa ăn giúp là được rồi. Cũng không sớm sủa gì nữa đâu, mẹ cũng chẳng làm gì, hấp ít thịt gác bếp, xào đĩa rau, còn lại đều là thức ăn cũ.”
Bốn người ngồi bên bàn ăn, Allan ngồi bên phía tay trái của Ngải Mễ, cô liên tục gắp thức ăn cho anh và nhìn anh, khiến anh cũng mất tự nhiên, mặt đỏ bừng. Hình như bố không nhận ra điều gì, chỉ có mẹ lắc đầu, nói: “Ngải Mễ, đừng gắp thức ăn cho anh ấy nữa, con có biết anh ấy thích ăn gì đâu mà gắp, hơn nữa lại gắp bằng đũa của con, mất vệ sinh lắm.”
Allan vội nói: “Không sao đâu ạ.”
“Anh ấy chẳng chịu gắp nên con mới gắp mà.” Ngải Mễ chạy vào bếp, lấy một đôi đũa ra và nói: “Con gắp bằng đũa mới này nhé?” Nói rồi cô lại gắp vào bát của Allan một miếng thịt hấp.
Ngải Mễ rất thích ăn thịt gác bếp mà bà nội làm cho nhà cô, thế nên cô nghĩ chắc Allan cũng thích. Ăn thịt gác bếp cô không thích phần mỡ, chỉ ăn chỗ thịt nạc, cô cắn miếng nạc rồi bỏ phần mỡ ra bàn. Thấy vậy, bố liền nói: “Thịt mỡ không ăn đừng có bỏ đi, gắp vào bát cho bố ăn.”
Ngải Mễ không muốn cắn bằng miệng rồi lại gắp cho bố nên đành phải lấy tay xé, mỡ dính đầy tay. Thấy vậy, Allan liền đề nghị: “Để anh tách ra cho.” Thấy không ai phản đối, anh liền mang bát thịt vào bếp rồi tách thịt nạc, thịt mỡ ra rất nhanh.
Cô ăn phần thịt nạc đã được Allan tách ra mà vui vô cùng. Thỉnh thoảng cô lại liếc anh, thấy anh không gắp miếng nạc nào, cô cũng biết là anh để phần cho cô, cảm thấy anh chẳng khác gì bố mẹ cô, thấy cô thích ăn cái gì đều nhường cho cô cái đó, cô ăn ngon thì anh cũng sẽ vui. Thế nên cô lắc lư cái đầu với vẻ rất khoa trương như muốn nói với anh rằng: Cảm ơn anh, em ăn cơm rất ngon!
Cô lén nhìn bố mẹ, bố vẫn đang tập trung ăn cơm nên không để ý gì, còn ánh mắt mẹ thì toát lên vẻ lo âu.
Ăn cơm xong, Allan giúp mẹ cô thu dọn bát đũa, lau bàn, anh còn đòi rửa bát nhưng mẹ không cho, bảo anh không biết bà để đồ ở đâu, hai thầy trò cứ trao đổi công việc với nhau đi.
Bố liền hạ lệnh bằng vẻ nghiêm nghị ngày thường chẳng bao giờ thấy: “Ngải Mễ, ra giúp mẹ rửa bát đi!”
Ngải Mễ liền càu nhàu: “Tại sao chứ? Tại sao con gái lại phải rửa bát?”
“Bố và cậu ấy đang phải trao đổi một số vấn đề quan trọng.” Bố liền giải thích, có thể nhận ra là bình thường ông vẫn hay phải nghe những lời càu nhàu của con gái, hôm nay định ra oai trước mặt người khác nhưng cô con gái cũng không chịu.
Ngải Mễ có thói “khách đến nhà là quấy nhiễu”, khi không có ai đã thích làm nũng rồi, bây giờ nhà có khách, hơn nữa lại là vị khách mà cô muốn thu hút sự chú ý nên càng không thể bỏ qua cơ hội thể hiện mình. Cô liền phản bác: “Rửa bát không phải là việc quan trọng ạ?”
Allan liền cười, nói: “Thôi cứ để em rửa, ở nhà em, em chính là cái máy rửa bát. Cô tìm giúp em cuốn từ điển tiếng Nga với ạ!”
Mẹ cười rồi lau tay và đi tìm cuốn từ điển tiếng Nga. Bố liền nói với Allan: “Thầy đợi em trong phòng làm việc nhé!”
Ngải Mễ đi theo Allan vào bếp, nhìn anh rửa bát. “Bố em chẳng bao giờ chịu rửa bát cả, rất phong kiến, em cũng thấy bất bình thay cho mẹ. Hai người đều là giáo sư, tại sao mẹ phải rửa còn bố thì không chứ?”
“Đấy là do mẹ em muốn đỡ việc cho bố em đó chứ!”
“Haizz, đúng là anh rửa vừa nhanh vừa sạch thật. Có phải ở nhà ngày nào anh cũng rửa bát không?”
“Thường xuyên rửa.”
“Nhà anh con trai phải rửa bát hả? Thế con gái thì làm gì? Anh có chị em gái không?”
“Không, anh chỉ có một anh trai.” Allan hỏi: “Rác đổ ở đâu nhỉ?”
“Em không biết, em chưa đổ rác bao giờ cả, chắc là đổ ở thùng rác dưới tầng.”
Allan liền xách túi rác trong thùng ra, buộc lại rồi nói với cô: “Em tìm túi nilon mới đặt vào để anh đi đổ.”
“Để em đi cùng anh.” Cô chẳng kịp tìm túi đựng rác, cũng không biết túi đựng rác nhà mình để ở đâu. Cô theo anh ra ngoài. Đến cửa, cô liền gọi với vào trong: “Bọn con đi đổ rác đây ạ!”
“Hê hê, đi đổ rác mà cũng phải tung hê cho cả thế giới biết hả?” Allan cười, trêu cô. “Đến đổ rác mà em cũng không làm hả? Lười thật đấy!”
“Từ nay về sau ngày nào em cũng sẽ đổ rác.” Cô liền cam kết với Allan. “Thật đấy, sau này anh cứ hỏi bố em sẽ biết em có đổ hay không.”
Lúc đầu cô còn định nói: “Từ nay trở đi, tối nào em cũng rửa bát”, nhưng vừa nghĩ đến cảnh tay dính đầy dầu mỡ, cô lại cảm thấy quá vất vả, thôi vậy, để sau rồi tính.
Sau khi Allan vào phòng làm việc trao đổi các vấn đề với bố, Ngải Mễ liền quay về phòng mình, ngồi trước bàn học mà không thể làm gì được nữa, tai chỉ dỏng lên nghe động tĩnh phía phòng làm việc. Hồi lâu mà chẳng nghe được gì, cô vừa cắn bút vừa nghĩ ngợi vẩn vơ. Anh ấy có người yêu chưa nhỉ? Anh ấy có thích mình không? Chắc là có thích vì anh ấy cứ nhìn mình cười tủm tỉm, rồi còn nhường hết thịt nạc cho mình ăn. Mỗi lần đỏ mặt, trông anh ấy rất đáng yêu. Không biết bao giờ anh ấy lại đến nhà mình chơi nhỉ? Ước gì ngày nào anh ấy cũng đến, nhưng chắc chắn anh sẽ không thể ngày nào cũng đến được…
Cô nghĩ, có cách nào để anh buộc phải đến nhà mình không nhỉ? Bảo bố ngày nào cũng gọi anh đến trao đổi ư? Chắc chắn là bố sẽ không làm như thế. Bảo mẹ ngày nào cũng gọi anh đến dịch tài liệu ư? Chắc chắn mẹ sẽ không làm như thế. Cuối cùng cô nghĩ ra một cách, không biết có thành công không nhưng theo những gì cô hiểu về tính khí của bố mẹ mình, cô biết chỉ cần có quyết tâm “không thành công cũng thành nhân” thì nhất định sẽ thành công.
Sau khi Allan về, Ngải Mễ nghe thấy bố nói với mẹ: “Cậu Thành Cương này khá ra phết, không ngờ tiếng Nga lại tốt như thế, nếu không có cậu ấy nhắc thì bài viết của anh đã sai nghiêm trọng rồi. Thơ mất chất thơ vì cách dịch. Đúng là chân lý thật! Thế nên những người làm về văn học so sánh tốt nhất phải biết mấy ngoại ngữ, nếu chỉ nghiên cứu văn học so sánh thông qua bản dịch thì chẳng khác gì gãi ngứa qua giày. Sau này anh phải hỏi em các vấn đề trong tiếng Anh, còn tiếng Nga thì phải nhờ Thành Cương vậy. Nghe nói tiếng Nhật của cậu ta cũng khá lắm, có thể đọc tác phẩm văn học nhờ vào từ điển.”
Mẹ liền nói: “Tiếng Nga, tiếng Nhật thì em không biết nhưng tiếng Anh thì cậu ấy dịch rất chắc chắn. Em có quen cô giáo dạy dịch cho cậu ấy ở bậc đại học, cô ấy tên là Tĩnh Thu, là ủy viên thường trực trong Hiệp hội dịch giả của tỉnh D, hai cô trò nhà ấy hợp tác và dịch cùng nhau rất nhiều tác phẩm. Trong cuốn tạp chí Dịch lâm có giới thiệu tác phẩm dịch của hai cô trò, họ còn viết bài đăng trên tạp chí Dịch thuật Trung Quốc nữa. Nếu Thành Cương tiếp tục phát triển theo hướng dịch thuật có thể sẽ rất có tiếng đấy.”
“Em nói thế là có ý gì?” Bố Ngải Mễ chất vấn. “Chẳng lẽ em cho rằng cậu ta lựa chọn ngành văn học so sánh là một sai lầm ư?”
Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian